Nguyên tắc khi học Effortless English

  1. Để ghi nhớ tốt khi học Tiếng Anh Learn (deeply, speak easily Rule4)
Khi học tiếng Anh thì việc ghi nhớ là vô cùng quan trọng và quyết định đến năng suất học của bạn. Chúng ta không thể làm tốt một việc gì nếu như không biết rõ tầm quan trọng cũng như tại sao phải làm việc đó. Trong bài viết này tôi xin được trình bày một số thông tin về quá trình ghi nhớ của chúng ta trong khi học.
1.1  Hoạt động sinh học để ghi nhớ của não người
Não người có 2 loại bộ nhớ: bộ nhớ ngắn hạn và bộ nhớ dài hạn. Não có khả năng phân loại thông tin để lưu trữ vào bộ nhớ một cách tự động. Những thông tin quan trọng để lại ấn tượng mạnh được não lưu trữ vào bộ nhớ dài hạn và ta gần như nhớ chúng vĩnh viễn. Những thông tin kém quan trọng hơn được lưu trữ trong bộ nhớ ngắn hạn tùy theo từng mức độ.
VD: bạn có thể nhớ được những việc đã làm trong ngày hôm nay nhưng không thể nhớ được những việc bạn đã làm trong 1 ngày cách đây 1 tuần. Bạn có thể nhớ được những kiến thức mà bạn vừa học xong để vượt qua bài kiểm tra môn Lịch sử nhưng 1 tháng sau thì bạn sẽ quên chúng. Những thông tin dạng này lúc đầu được lưu trữ rất tốt, bạn có thể nhớ lại chúng rất nhanh, có thể đọc làu làu những sự kiện lịch sử nhưng sau một thời gian, thông tin sẽ bị xóa bởi vì chúng được lưu trữ ở bộ nhớ ngắn hạn.
Việc ôn thi về bản chất cũng là chúng ta đang nạp những thông tin về một môn học nào đó vào bộ nhớ ngắn hạn để rồi thi xong thì ta có xu hướng quên chúng đi.
Tuy nhiên, những thông tin kém quan trọng có thể được lưu trữ vào bộ nhớ dài hạn nếu như nó được não lặp lại nhiều lần. VD: bạn có khả năng nhớ được số điện thoại của mình mặc dù các con số vô hồn đó không gây ra ấn tượng đặc biệt gì cho não. Bạn nhớ được là vì bạn đã đọc số điện thoại đó cho rất rất nhiều bạn bè. 
1.2  Ứng dụng đặc điểm sinh học của não người trong việc học và ghi nhớ tiếng Anh.
Trong giao tiếp tiếng Anh, để có thể dùng một từ vựng, ta cần đưa từ vựng đó vào trong bộ nhớ dài hạn của não để khi cần miệng ta có thể bật ngay ra từ đó được một cách ngay lập tức. Nghĩa là, toàn bộ những kiến thức tiếng Anh đều cần phải được đưa vào bộ nhớ dài hạn.
Nếu bạn học một từ mới 1 lần, chắc chắn bạn sẽ dễ quên nó. Nếu bạn học một từ mới 5 lần, bạn sẽ nhớ… nhưng rồi sau vài ngày rồi bạn cũng sẽ quên. Để nhớ vĩnh viễn được một từ, bạn cần sự lặp lại ít nhất là 50 lần. Với các cấu trúc câu tiếng Anh cũng vậy. Để vận dụng hoàn hảo và trôi chảy được thì ta cần lặp lại chúng nhiều lần. Chính điều này tạo nên sự khác biệt giữa người bản ngữ và người học tiếng Anh trong khi giao tiếp. Người bản ngữ luôn bật ra các câu nói một cách trôi chảy trong khi người học tiếng Anh luôn có sự ngập ngừng giữa chừng trong khi nói. Đó là do người học tiếng Anh sử dụng những thông tin trong bộ nhớ ngắn hạn. Điều này là dễ hiểu vì với cách học tiếng Anh thông thường, chúng ta thường liệt kê ra một danh sách vài chục từ mới và ngồi “tụng kinh” cho đến khi thuộc toàn bộ. Cách học này với cách học để ôn thi là một, về bản chất đều là nạp thông tin vào trong bộ nhớ ngắn hạn để rồi sau một thời gian ta sẽ quên dần chúng đi hoặc cho dù chưa quên hẳn thì cũng gặp khó khăn trong việc nhớ lại.
Ứng dụng điều này trong việc học từ vựng và các cấu trúc tiếng Anh, chúng ta nên có sự lặp lại một bài học cho tới khi nào đủ ít nhất 50 lần trước khi chuyển sang bài học tiếp theo. Cách học này sẽ làm tăng thời gian học một bài học, nhưng ta sẽ nhớ rất sâu được toàn bộ kiến thức quan trọng của bài học. Trong khi giao tiếp, ta cũng có thể bật ngay ra được những từ vựng hoặc cấu trúc câu nằm trong bài học đó.
Nếu bạn sử dụng cách học truyền thống, mỗi ngày học thuộc lòng một bảng dài gồm 30 từ vựng, khi học xong bạn sẽ nhớ. Một tuần sau bạn sẽ có 7x30=210 từ vựng. Một con số khá lớn nhưng theo thời gian số lượng từ bị rơi vãi cũng rất nhiều. Chưa kể mỗi khi gặp lại một từ mới đã học, ta phải vò đầu, bứt tóc mới có thể nhớ ra được từ đó nó là gì. Muốn không bị quên, bạn lại phải  thường xuyên phải dành thời gian ra để ôn lại và như thế nếu tính cả thời gian ôn lại này, ta sẽ không thể có được tốc độ là 30 từ vựng/ngày. Thế nên dù cho bạn muốn học nhanh, bạn cũng không thể có được tốc độ vài chục từ trong một ngày.

Cũng xin nói thêm, những phân tích trên đây được áp dụng khá đầy đủ trong bộ Effortless English. Rule1 nói rằng bạn đừng học từ vựng đơn lẻ, hãy học cả cụm từ. Rule 4 nói rằng bạn cần học sâu và nhớ lâu vì thế mỗi bài ít nhất bạn cần học trong 1 tuần.
Tóm lại trong khi học, đừng ham về số lượng mà hay tập trung vào chất lượng. Số lượng và chất lượng luôn luôn tỉ lệ nghịch với nhau. Nếu số lượng nhiều mà chất lượng không được đảm bảo thì khi cần ta cũng không thể sử dụng được. Với cách học “Deep learning”, học sâu nhớ lâu, ta mới thực sự có được hiệu quả cao nhất. 

 2. Nguyên tắc trong khi học Tiếng Anh
Học tiếng Anh, quan trọng nhất là phương pháp và sự kiên trì. Trong bài viết này, tôi sẽ giới thiệu những phương pháp quan trọng, không thể thiếu trong khi học tiếng Anh. Đây là những thứ trái ngược hẳn với những phương pháp truyền thống.
  1. Ngữ pháp không giúp gì cho bạn trong khi giao tiếp Don’t study grammar rule. Rule2
Ngữ pháp là để dùng cho khi viết còn trong khi giao tiếp, ngữ pháp không giúp gì cho bạn. Trong ngữ pháp, người ta dạy bạn rất nhiều quy tắc và nó cực kỳ hữu ích khi chia động từ, dùng cấu trúc câu, mẫu câu. Có rất nhiều thì trong tiếng Anh: thì hiện tại hoàn thành, quá khứ, tương lai, tương lai tiếp diễn… trong mỗi thì lại có vô số những quy tắc, những chú ý và những trường hợp ngoại lệ. Nếu viết, bạn có đủ thời gian để cân nhắc và lựa chọn cách chia động từ. Tuy nhiên khi giao tiếp, tốc độ nói rất nhanh, mọi thứ cần phải được bật ra một cách tự động. Ta không có thời gian để nhớ lại và phân tích các quy tắc ngữ pháp. Ngữ pháp sẽ chỉ làm cho tốc độ nói của bạn chậm đi mà thôi.
Chúng ta hãy nhớ lại nhé: trước khi bạn đến trường để học ngữ pháp tiếng Việt, bạn đã giao tiếp thành thạo rồi phải không? Bạn đã có thể nghe và nói rất trôi chảy từ khi còn 3 -4 tuổi? Trước năm 1945 dân tộc Việt Nam có đến 95% là mù chữ vậy nếu không được đến trường học ngữ pháp thì có phải là bạn sẽ không giao tiếp được không? Và…thời điểm hiện tại bạn còn nhớ bao nhiêu về ngữ pháp tiếng Việt?
Có nhiều người nắm rất chắc về ngữ pháp, điểm tiếng Anh rất cao nhưng khi nói thì đôi khi họ vẫn sai những lỗi rất đơn giản về chia động từ. Lý do là khi nói, họ không có đủ thời gian để chia động từ.
Vậy nếu không học ngữ pháp thì bằng cách nào ta có thể nói đúng ngữ pháp?
  1. Làm thế nào để nói đúng ngữ pháp? Point of View Ministory Rule5
Người bản ngữ không học ngữ pháp nhưng vẫn nói đúng ngữ pháp được, họ chỉ học ngữ pháp khi lên đến cấp 2. Và việc học này không phải để giao tiếp mà nhằm bổ trợ cho việc viết.
Ta có thể nói đúng ngữ pháp nếu đi theo cách học của người bản ngữ. Đã có nhiều nghiên cứu được thực hiện và những nghiên cứu này chỉ ra rằng đây là cách tốt nhất để học ngữ pháp. Theo phương pháp hiện đại, người ta dạy ngữ pháp không phải bằng sách vở mà là bằng phương pháp sau:
Đầu tiên thầy giáo kể một câu chuyện, trong câu chuyện này thầy giáo dùng toàn thì hiện tại và người học sẽ nghe câu chuyện đó trong một tuần. Tiếp đó người thầy kể lại câu chuyện, nhưng trước khi kể có thêm mệnh đề thời gian: “Three days ago…” rồi trong câu chuyện này, người ta dùng toàn thì quá khứ và người học lại nghe trong vòng một tuần. Trong khi nghe, bạn không cần phải suy nghĩ bất cứ thứ gì liên quan đến ngữ pháp.

Chẳng hạn: “Ồ, đây là thì quá khứ, feel là một động từ bất quy tắc, ta phải chia nó theo kiểu khác khi chuyển về thì quá khứ”. Bạn hãy dẹp bỏ tất cả những suy nghĩ này, chỉ tập trung vào việc nghe và hiểu ý nghĩa của câu chuyện.
Tương tự, người thầy kể các câu chuyện và dùng toàn thì tương lai, hiện tại hoàn thành, quá khứ hoàn thành… trong câu chuyện đó. Người học cứ nghe đi nghe lại các câu chuyện trong vòng 1 tuần rồi lại chuyển sang câu chuyện khác. Cứ như thế, dần dần người học cảm nhận được về thì trong tiếng Anh mà không cần biết về bất cứ một quy tắc ngữ pháp nào. Bạn sẽ học ngữ pháp một cách tự động, sử dụng ngữ pháp một cách chính xác y hệt như người bản ngữ.
  1. Đừng bao giờ học từ vựng một cách riêng lẻ. (Rule 1 don’t study individual words)
Khi học từ vựng bằng cách lặp lại nhiều lần, ta nên nghe cả một đoạn câu trong đó có chứa từ mới. Khi gặp một từ mới, thay vì viết từ đó ra, bạn hãy viết ra hoặc ghi nhớ toàn bộ cả câu chứa từ đó. Cách làm này có hiệu quả lớn bởi vì:
+ Một câu thì chứa lượng thông tin nhiều hơn rất nhiều so với một từ riêng lẻ.
+ Một câu có mang ý nghĩa nên dễ ghi nhớ hơn.
+ Khi ghi nhớ một câu, bạn cũng đang ghi nhớ ngữ pháp của câu đó, bạn đang học ngữ pháp, bạn đang học cách để sử dụng đúng từ đó trong một ngữ cảnh cụ thể.
Bạn không cần suy nghĩ về ngữ pháp, không cần nhớ những quy tắc, tất cả được thực hiện một cách tự động. Đây chính là cách mà người bản ngữ học ngữ pháp: họ không học quy tắc ngữ pháp nhưng luôn nói đúng ngữ pháp.
VD: John hates ice-cream.                                                                             
Trong câu này ta thấy có chủ ngữ là “John” nên động từ là “hate” phải chia ở ngôi thứ 3 số ít, tân ngữ là “ice-cream”. Mọi thứ đều rất phức tạp nhưng ta không cần quan tâm. Hãy cứ nghe và lặp lại nhiều lần rồi theo thời gian khi nói câu này ta sẽ tự thêm “s” vào sau từ “hate” bởi vì lúc nghe ta thấy có âm “s” ở sau từ đó.
Nhớ lại cách học truyền thống, khi gặp từ mới là “hate”, ta sẽ chỉ ghi nhớ một mình từ này và hiểu rằng “hate” là “do not like”. Ta không có sự thực hành với chủ ngữ nên lúc nói ta thường hay quên âm “s” ở sau từ đó nếu chủ ngữ ở ngôi thứ 3 số ít.
Cũng xin nói thêm, khi bạn học Vocaburary trong Effortless English, bạn hãy dùng nút Pause để nhớ lại và hình dung bạn chính là tiến sĩ AJ và bạn đang giải thích ý nghĩa từ mới đó cho mọi người. Hãy thực hành điều này và bạn nên nói đủ cả đâu để IMPROVE ngữ pháp cũng như copy được chính xác được giọng của thầy AJ.

  1. Học tiếng Anh thật trong cuộc sống, đừng học tiếng Anh trong sách vở (Rule6 Real English)
Khi nghe tiếng Anh trong các đĩa CD, nghe trong các bài luyện nghe TOEFL, có thể bạn nghe và hiểu toàn bộ. Nhưng khi đứng cạnh 2 người nước ngoài để nghe họ nói chuyện với nhau, bạn lại chả hiểu gì cả. Lý do tại sao vậy? Đó là vì tiếng Anh mà bạn học là tiếng Anh trong sách vở, là tiếng Anh thông thường. Còn tiếng Anh thật trong cuộc sống được người bản ngữ nói với tốc độ rất nhanh. Người Anh có tốc độ nói là 300-350 từ/phút, còn người Mỹ là 350-450 từ/phút. Tốc độ này nhanh hơn rất nhiều so với các bài luyện nghe thông thường nên bạn không bắt kịp được. Đấy là còn chưa kể có rất nhiều thành ngữ được sử dụng, tất cả đều không phải tiếng Anh thông thường mà bạn được dạy trong sách vở, được luyện trong các lớp học.
Vậy khi luyện nghe, hãy kiếm những cuốn sách nói, những bản tin tiếng Anh như CNN, BBC, những bộ phim… đó là những tiếng Anh thực sự trong cuộc sống của người Anh. Bạn sẽ học tiếng Anh thực sự chứ không phải tiếng Anh thông dụng trong sách vở. Tất nhiên tiến sĩ AJ Hoge cũng thường dùng những câu tiếng anh thực vào các bài học.

  1. Chìa khóa để thành công trong giao tiếp là hãy nghe thật nhiều Rule3
Cái gì là kỹ năng quan trọng nhất trong khi học tiếng Anh? Kỹ năng gì mà bạn bắt buộc phải có để giao tiếp tốt? Đó chính là sự lưu loát, trôi chảy. Lưu loát là khả năng nghe và hiểu tiếng Anh một cách ngay lập tức mà không cần bất cứ sự dịch sang tiếng Việt nào trong đầu. Bạn lắng nghe và hiểu người khác nói gì ngay lập tức, người khác nghe và hiểu bạn một cách dễ dàng. Bạn sẽ không đạt được sự lưu loát bằng việc học ngữ pháp, bằng việc luyện nói, hay bằng việc đi đến các câu lạc bộ tiếng Anh… Chìa khóa của sự lưu loát chính là việc luyện nghe.

Vào năm 1984, trường đại học “American University Language Center” tại Băng Cốc - Thái Lan qua nhiều nghiên cứu đã thành công với một phương pháp gọi là “Automatic Language Growth”.
Phương pháp chỉ rõ rằng mọi cố gắng, nỗ lực để nói thậm chí là nghĩ hoặc phân tích về ngôn ngữ trước khi có được khả năng tư duy tiếng Anh như người bản ngữ thì sẽ ảnh hưởng không tốt đến kết quả học tiếng Anh. Nói cách khác, phương pháp đòi hỏi người học ngôn ngữ một quãng thời gian dài im lặng, không nói gì cả. Họ đã tiến hành phương pháp này trong các lớp học và những sinh viên trong lớp học không nói gì cả, chỉ tập trung vào kỹ năng nghe liên tục trong 1 năm. Kết quả là sự lưu loát, trôi chảy cùng với phát âm rõ ràng đã xuất hiện ở những sinh viên này. Họ gần như đã biến thành người bản ngữ.
“Nói nhiều thứ sai sẽ hình thành nên ngôn ngữ sai, nghe những thứ đúng thì sẽ hình thành nên ngôn ngữ đúng.” Ở câu lạc bộ tiếng Anh, lớp học tiếng Anh, chúng ta được khuyến khích là hãy nói càng nhiều càng tốt kể cả cho dù tiếng Anh của chúng ta chưa thực sự tốt. Lúc đó ta sẽ nói sai rất nhiều và dần dần sẽ hình thành thói quen và tạo ra ngôn ngữ sai. Vậy hãy chỉ nói khi nào bạn đã thực sự có thể nói!
Tiếng Anh là ngôn ngữ, ngôn ngữ có nhiều dạng như tiếng nói, chữ viết nhưng ở đây tôi chỉ đề cập đến tiếng nói bởi vì chúng ta học ngôn ngữ mục đích hàng đầu là để giao tiếp với người khác bằng tiếng nói. Lời nói là âm thanh, vậy ta phải dùng tai để học ngôn ngữ. Khi luyện nghe bạn hãy cắt đứt tất cả mọi suy nghĩ, nhắm mắt lại và thư giãn để việc nghe được hiệu quả nhất. Khi bạn nhìn, hàng triệu triệu thông tin xung quanh du nạp vào não bạn một cách vô thức: nào là hình dáng, màu sắc sự chuyển động…và những yếu tố này đều ảnh hưởng đến sự tập trung của bạn.
  1. Luôn đảm bảo rằng khi nghe tỉ lệ hiểu của bạn là trên 95%
Mọi người luôn có xu thế coi thường những gì dễ và khi luyện nghe, họ tập trung vào nghe những đoạn đĩa tiếng Anh khó với nhiều từ vựng trong một đoạn và tốc độ nói tương đối nhanh. Có thể bạn vẫn hiểu được nội dung chính của đoạn nói nhưng tỉ lệ hiểu của bạn chắc có lẽ chỉ vào khoảng 30%. Không cần phân tích nhiều thì ta cũng thấy rằng tỉ lệ hiểu càng cao trong khi nghe thì hiệu quả của việc nghe sẽ càng cao bởi ta sẽ hiểu và   học được nhiều cấu trúc câu. Còn khi nghe nếu bạn không hiểu tức là bạn sẽ không học được nhiều.
Vậy, hãy luôn tập trung nghe những thứ dễ, bạn sẽ nâng cao được khả năng nói của mình. Hãy học bộ đĩa đúng như thứ tự bài học.  Bạn chỉ có thể nhảy giữa những bài trong cùng một Lever đúng với trình độ hiện tại của bạn.

  1. Học sâu nhớ lâu Rule4
Ở trên nhà trường, trong các lớp học, bài giảng luôn đi quá nhanh. Giáo viên dạy cho học sinh quá nhiều các từ mới, các cấu trúc ngữ pháp mới. Cứ mỗi tuần lại là một cấu trúc ngữ pháp mới và một loạt những từ vựng. Với cách học này, mọi người sẽ hoàn thành rất nhanh một cuốn sách dày chỉ trong một học kỳ. Tuy nhiên mọi người luôn quên những thứ đã được học. Hoặc có thể ta nhớ được những thứ chủ chốt nhưng lại không thể ứng dụng chúng trong giao tiếp.
Nếu bạn biết một từ vựng, hãy tiếp tục nghe từ đó nhiều lần bởi vì biết một từ chỉ có nghĩ là bạn hiểu được nghĩa của từ đó và biết dùng nó để làm bài kiểm tra. Nhưng khi bạn nghe từ đó, bạn có hiểu nó ngay lập tức hay không? Bạn có thể sử dụng từ vựng này một cách nhanh chóng, dễ dàng hay không? Nếu câu trả lời là không, vậy thì bạn hãy lặp lại việc nghe từ đó thêm một thời gian. Trong cuộc sống hàng ngày, người bản ngữ đã từng nghe các từ vựng trong ngôn ngữ của họ hàng nghìn, hàng vạn lần nên họ có thể dùng chúng một cách dễ dàng.
Học sâu nhớ lâu, lặp lại mọi thứ nhiều lần, bạn sẽ đạt được kết quả tương tự như người bản ngữ.
  1. Luyện tư duy tiếng Anh
Các thầy giáo nổi tiếng vẫn thường khuyên chúng ta tư duy bằng tiếng Anh, suy nghĩ bằng tiếng Anh, không dịch trong lúc nghe và nói. Nhưng làm thế nào để rèn luyện và có được khả năng này thì họ lại không nói.
Theo phương pháp hiện đại, giáo viên sẽ kể một câu chuyện. Trong khi kể, giáo viên hỏi hàng loạt các câu hỏi xung quanh câu chuyện đó và yêu cầu học sinh trả lời. Đó là những câu hỏi vô cùng dễ bởi vì giáo viên không muốn bạn nghĩ bất cứ thứ gì trong đầu. Nếu đặt ra những câu hỏi khó, bạn sẽ phải dừng lại để suy nghĩ.
VD: There is a girl. What is her name? How old is she?
Học sinh sẽ lắng nghe và phải bật ra ngay lập tức được câu trả lời cho những câu hỏi này. Do phải trả lời ngay lập tức những câu hỏi dễ nên người học không có thời gian để suy nghĩ, tư duy, phân tích tiếng Anh hay dịch từ tiếng Anh sang tiếng Việt. Dần dần, phương pháp này sẽ dạy cho não của người học cách tư duy bằng tiếng Anh, dùng tiếng Anh để hiểu tiếng Anh, hiểu tiếng Anh và trả lời ngay lập tức. Một phương pháp rất đơn giản nhưng hiệu quả vô cùng to lớn.